Chè Thái Nguyên – Đặc sản nổi tiếng

Chè Thái Nguyên hay chè Tân Cương – Thái Nguyên là một trong những đặc sản nổi tiếng và hết sức quen thuộc với những người yêu thích chè. Chè Thái Nguyên có màu xanh đen, xoăn chặt, cánh chè gọn nhỏ, trên bề mặt cánh chè có nhiều phấn trắng. Nước chè rất trong, xanh ánh vàng, sánh. Chè có vị chát dịu, hậu sâu, hài hòa, gần như không cảm nhận có vị đắng. Mùi chè thơm ngọt, dễ chịu. Chất lượng bao gồm các chỉ tiêu về ngoại hình, màu nước, vị và đặc biệt về hương thơm của chè Thái Nguyên không phải xuất phát từ đặc điểm của giống chè mà là kết quả của quá trình chế biến rất tỉ mỉ, công phu. Hương thơm đặc trưng của chè Thái Nguyên chủ yếu là mùi thơm do xử lý nhiệt tạo ra.
Để biết được Chè Thái Nguyên ngon hay không được đánh giá theo bốn tiêu chuẩn gồm: Thanh, Sắc, Vị, Thần. Chè ngon là loại chè có màu nước xanh ánh vàng mật ong (Thanh). Cánh chè cong như móc câu, đều đặn, nhìn thẳng màu đen, nhìn nghiêng thì xanh (Sắc). Uống vào có vị đậm đà, bùi, ngầy ngậy, có hương cốm non trong miệng, lúc mới uống có vị chát êm, uống xong có vị ngọt đọng lại rất lâu (Vị). Hương thơm quyến rũ, chỉ có ở chè Thái Nguyên, không thể lẫn vào thức uống nào khác, đem lại sự sảng khoái, thăng hoa cho người thưởng chè (Thần). Sau một ấm chè, người thưởng thức thấy ấm áp trong lòng, tình người gắn kết, tinh thần sảng khoái, cảm giác nhẹ nhàng, thanh tịnh.
Sau khi được hái, những búp Trà Thái Nguyên sẽ được bảo quản cẩn thận, không để búp chè bị dập nát rồi được đưa ngay vào xưởng hay nhà máy để chế biến. Trong thời gian chờ đợi, búp chè sẽ được rũ tơi và rải đều trên các nong bằng tre, quá trình này được gọi là “quá trình làm héo lá chè”. Sau đó chè sẽ được đưa đi sao diệt men, trong quá trình này, phải có sự đồng đều giữa lượng nhiệt ở đáy chảo và lượng nguyên liệu, cần đảo đều và nhịp nhàng. Nếu thực hiện quá trình sao diệt men đúng quy trình, nước sẽ thoát ra khỏi lá chè đều và toàn bộ lá chè trở nên mềm dẻo và không bị quá khô hay quá ướt, lá chè vẫn giữ được màu xanh. Tiếp đến, chè sẽ  được rải ra nong thành lớp mỏng để làm nguội, sau đó đến công đoạn vò. Quá trình vò được thực hiện rất cẩn thận để lá chè xoăn chặt mà lá ít bị dập. Sau khi vò xong, chè được đưa đi sao khô, số lần sao và thời gian sao tùy thuộc yêu cầu của chất lượng chè thành phẩm. Thông thường chè được sao từ 2 đến 4 lần. Ngoài nguyên liệu sạch, cách thu hái chè tươi….thì tất cả công đoạn trên đều cần đến kinh nghiệm của người làm chè, chứ không phải ai làm cũng được, ai làm cũng cho ra những mẻ chè ngon. Nhờ kinh nghiệm, bàn tay khéo léo, tỉ mỉ của các nghệ nhân, cùng với những đồi chè là vùng nguyên liệu chất lượng mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất nơi đây, mà chè Thái Nguyên là một loại đặc sản nổi tiếng ngày nay ở đâu chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp.

0983 412 602