Từ lâu người ta đã biết đến cái danh xưng “chè Thái Nguyên”. Cũng là ngẫu nhiên, mà thiên thời địa lợi ban tặng cho vùng đất trung du miền núi ấy cái tinh túy của đất trời, cây chè.
Búp chè xanh. Chén chè vàng. Nước chè chát. Vị chè ngọt. Và như lắng đọng trong tâm hồn con người những cảm giác lâng lâng, dịu nhẹ, mà người ta hay gọi là cái “thần” khi uống nước chè.
Để có được những chén nước chè chất lượng như vậy, thì khâu chế biến cũng phải thật tỉ mỉ. trước hết là chọn nguyên liệu. Vùng trung du miền núi thường có sương đọng lại trên lá cây nghe mát lạnh. Người ta chọn thời điểm sương còn chưa tan hết, hái lấy những búp chè non, xanh mơn mởn về lọc sạch, đem phơi gió để lá chè bay bớt hơi nước. Khi chè đã héo nhẹ, người ta đem sao chè trên cái vạc lớn, đun lửa to để cái “chất” ngấm nhanh vào bên trong. Rồi lại dùng cối vò để chè dập ra, khi pha nước sẽ khiến chè ngấm nhanh hơn. Sau đó chè sẽ được làm tơi, để không bị vón cục. Đến bước cuối cùng, một bước rất quan trọng, đó chính là lấy hương. Những người thợ có tay nghề sẽ đem chè đi sao một lần nữa, nhưng chỉ trong thời gian ngắn. Nếu như không có kinh nghiệm, lửa quá tay sẽ khiến chè bị đỏ, mất vị ngon. Chè chuẩn sẽ dậy mùi thơm đặc trưng, khi pha ra có màu nước xanh, vị ngọt sâu lắng….
Ngoài ra, người ta còn ướp hương cho chè. Thứ chè ướp hương nổi tiếng là Trà Sen. Khi hoàng hôn dải nắng vàng lên mặt hồ sen, các thiếu nữ chèo thuyền ra chọn những bông sen đang còn hé nụ lén bỏ vào một dúm trà nhỏ. Sớm hôm sau khi ánh bình chưa chạm tới chúng thì các thiếu nữ lại chèo thuyền ra lấy lại những dúm trà đó. Trà rất thơm hương tự nhiên của đất trời trong suốt đêm dài. Cũng thế, nước pha trà được hứng từ những lá sen còn đọng sương sớm. Đây chính là thiên cổ đệ nhất trà….